Một phương pháp điều trị bệnh nguy hiểm trên cá thân thiện với môi trường

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một phân tử có thể điều trị bệnh do ký sinh trùng gây ra rất phổ biến trên cá nước ngọt.

Ký sinh trùng Ichthyophthirius gây bệnh đốm trắng trên cá Nguồn: GAA

Ký sinh trùng Ichthyophthirius gây bệnh đốm trắng trên cá  Nguồn: GAA

Thông thường, ký sinh trùng rất kén chọn ký chủ để lây nhiễm. Tuy nhiên, loài trùng lông đơn bào được biết đến với tên “kẻ giết cá” là một ngoại lệ. Loài ký sinh trùng này lây nhiễm ở hầu hết các loài cá nước ngọt, trên cá nuôi và cá ngoài tự nhiên. Chúng bám vào cá và gây ra bệnh đốm trắng (White spot disease), làm chết cá trong vài ngày.

Hiện nay, các trang trại nuôi cá sử dụng một lượng lớn các hóa chất độc hại để phòng trị ký sinh trùng, trong đó có bệnh do Ichthyophthirius gây ra. Nhưng trong tương lai, các tổn hại môi trường do các loại hóa chất này gây ra có thể được giảm thiểu nhờ vào một phát hiện mới có được từ sự hợp tác của các nhà khoa học ở Đan Mạch và Hà Lan.

Một loại ký sinh trùng tàn phá

Không chỉ có người nuôi và các nhà sinh học nước ngọt biết đến bệnh đốm trắng. Bệnh này còn ảnh hưởng đến người nuôi cá cảnh, nó quét sạch một bể cá trong vòng vài ngày.

Ichthyophthirius rất khó tiêu diệt. Vòng đời của chúng gồm bốn giai đoạn và hiện nay, các cách xử lý bằng hóa chất không có hiệu quả như nhau ở các giai đoạn này.

Các giai đoạn của Ichthyophthirius:

– Giai đoạn Trophont: Trùng trưởng thành ký sinh ở da và mang cá;

– Giai đoạn Tomont: Thoát ra khỏi cơ thể cá và bơi lội tự do trong nước;

– Giai đoạn Tomocyst: Các tomont hình thành bào nang và sản sinh nhiều ấu trùng (theront);

– Giai đoạn Theront: Các theront thoát khỏi bào nang vào môi trường và tiếp tục gây nhiễm trên cá trong vòng vài giờ.

Giết chết ký sinh trùng trong vài phút

Nghiên cứu cho thấy, một phân tử sản sinh từ vi khuẩn Pseudomonas H6 có thể tiêu diệt ký sinh trùng khi vòng đời của chúng ở bên ngoài vật chủ. Từ vài giây đến vài phút sau khi dính vào bề mặt phân tử, màng tế bào của ký sinh trùng bị thủng và tế bào chất sẽ chảy ra ngoài tế bào. Sau khi làm xong nhiệm vụ, phân tử này nhanh chóng phân hủy trong môi trường, có thể là ao hồ, trang trại nuôi hoặc bể cá cảnh, do vậy không tốn nhiều thời gian. Thông thường, sự phân hủy này xảy ra trong vài giờ, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để biết chính xác là bao lâu.

Khám phá mới này đem lại tia hy vọng để phát triển một phương pháp hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn nhằm kiểm soát loại ký sinh trùng nguy hiểm này.

(Trích Đào Vũ (Theo GAA) – Tạp chí thủy sản)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.