Những chân ruộng có khả năng cung cấp nước chủ động mới có thể nuôi được cá. Những chân ruộng cao, mực nước trong ruộng cạn, chỉ chừng 5 – 7cm có thể kết hợp nuôi cá với cấy lúa ở mức độ không lớn; nếu sử dụng để nuôi cá thịt sẽ có hiệu quả thấp và khó khăn. Nhưng nếu dùng để ương cá giống thì hiệu quả không thua kém; đôi khi, còn cao hơn nhiều. Những chân ruộng, thường xuyên giữ được mực nước từ 30cm đến 50cm thích hợp cho nuôi cá kết hợp cấy lúa. Còn những chân ruộng trũng hoặc ruộng trong vùng ngập; đôi khi, nước trong ruộng cao đến lm (vào vụ mùa) thì quá tốt cho nuôi cá kết hợp hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nuôi tôm, cá chắc chắn cho hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy lúa bấp bênh.
Ruộng trũng, là những ruộng có thể giữ được mức nước sâu trên 30cm, thường bị ngập úng về mùa hè thu; nên thường cấy lúa vụ xuân, nuôi cá vụ hè thu; ở miền núi, những ruộng khe vàn, ở giữa hai dãy đồi, núi, có nguồn nước mạch, nếu tạo bờ bao cao cũng có thể tạo thành ruộng có tính chất như ruộng trũng, cấy lúa vụ xuân, nuôi cá vụ mùa.
Điểm khác biệt giữa nuôi cá ruộng trũng với nuôi cá ruộng nông, bậc thang là: diện tích ruộng trũng thường lớn hơn, từ vài nghìn mét vuông đến vài ha/1 thửa; nước sâu hơn, thời gian nuôi lâu hơn, thường từ 8 – 10 tháng/1 vụ.
Các biện pháp kỹ thuật như thả cá, chăm sóc thu hoạch gần giống với kỹ thuật nuôi cá ao.
Các loại cá thả bao gồm các loại cá ăn thực vật nước bậc cao như cá trắm cỏ, cá mè vinh, cá trôi, mrigan, nuôi ghép lấy cá chép và mè vinh là chính,…
Nguyên tắc của nuôi cá ruộng là: chỉ tận dụng thức ăn tự nhiên có trong ruộng là chính. Bởi vậy, cần thả đủ mật độ để cá có thể tận dụng được các loại thức ăn tự nhiên trên ruộng. Các loài cá được chọn là: chép (ăn động vật đáy), mè vinh (ăn cỏ); ở những ruộng sâu trên 70cm nước, có thể thả cá trắm cỏ (để cá ăn rong, cỏ), cá mè không phải là đối tượng thích hợp cho nuôi cá ruộng. Nếu chỉ có chép, mè vinh, năng suất cá dao động từ 300 – 600kg/ha/vụ. Ở những ruộng sâu; khi thả thêm trắm cỏ, năng suất có thể đạt tới 1,2 tấn/ha/năm.
Nguyên tắc thứ 2 của nuôi cá ruộng là cần phải có chỗ cho cá trú ẩn khi trời nóng quá hoặc khi bắt buộc phải dùng thuốc bảo vệ lúa, bằng cách đào các mương rộng từ 40 – 50cm, sâu 50 – 60cm trong ruộng, mương có dạng xung quanh bờ (trừ một bờ làm lối lên xuống ruộng để canh tác) hay hình chữ thập theo bờ ruộng; cũng có thể đào ở góc ruộng hay giữa ruộng một cái chuôm hình tròn, sâu 50 – 60cm, đường kính 50cm làm chỗ trú cho cá, từ xung quanh chuôm có các mương sâu chừng 30 – 40cm, rộng 20 – 40cm hình phóng xạ dẫn vào chuôm. Khi nuôi cá trên ruộng cấy lúa nước, năng suất lúa thường tăng trên 10%, phần dư này đủ bù lại sản lượng lúa mất đi do phải dành đất đào mương, làm chuôm. Mặt lợi khác của nuôi kết hợp cá trên ruộng là cá có thể tiêu diệt một số thiên dịch hại lúa như các loại sâu; nhờ đó, không phải dùng thuốc bảo vệ lúa, vừa đỡ tốn tiền lại giữ được môi trường sạch sẽ.
Theo phương pháp canh tác, người ta chia ra là ra 2 loại hình nuôi cá kết hợp trên ruộng cây lúa là nuôi luân canh và xen canh.
Nuôi luân canh: có nghĩa là nuôi cá vụ hè thu (vụ mùa), còn cây lúa vào vụ đông xuân (vụ chiêm). Hình thức nuôi này được thực hiện phổ biến ở những vùng ruộng trũng, canh tác bấp bênh vào vụ mùa.
Nuôi xen canh: có nghĩa là vừa cây lúa vừa nuôi cá, có thể nuôi cá được quanh năm và cấy lúa được cả 2 vụ. Hình thức nuôi này thích hợp với những chân ruộng không cao hoặc hơi thấp, mực nước trên ruộng luôn giữ được không thấp hơn 40cm, nơi có thể chủ động điều tiết nước.