Phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng

Tác dụng của Beta-glucan lên khả năng đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) chống lại vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) Vibrio parahaemolyticus

Ở động vật có xương sống, khả năng đáp ứng miễn dịch gồm có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên), nhưng ở động vật không xương sống (trong đó có tôm) khả năng đáp ứng miễn dịch chủ yếu dựa vào miễn dịch không đặc hiệu gồm những cơ chế miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch góp phần vào những phản ứng bảo vệ tôm bằng cách hạn chế sự xâm nhập hoặc làm sạch và giết những mầm bệnh vi sinh xâm nhập vào mô và máu (Yodmuang et al., 2006).

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) do vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus hiện đang là bệnh gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm. Bệnh lây lan nhanh và tôm nhiễm bệnh có tỷ lệ chết cao.

Khi tôm bị nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus (NT3, NT4 và NT5), tôm có biểu hiện bệnh sau 14 giờ với dấu hiệu bơi lờ đờ, hoạt động kém, ruột rỗng hoặc chứa thức ăn không liên tục, khối gan tụy của tôm nhạt màu và teo (Hình 1C/c, 1D/d và 1E/e). Các dấu hiệu tương tự như mô tả của Lightner et al. (2012) và Flegel (2012) về các dấu hiệu bệnh lý của tôm khi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do V. parahaemolyticus. Tôm không cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus (NT1 và NT2) có màu sắc tươi sáng, khối gan tụy bình thường, ruột đầy thức ăn, phản ứng nhạy với tiếng động (Hình 1A/a và 1B/b).

Các biện pháp phòng và trị AHPND ở tôm nuôi được áp dụng hiện nay chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh lan tràn không đúng nguyên tắc đã dẫn đến hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm thủy sản làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản và sức khỏe của người tiêu dùng.

Để giải quyết các vấn đề đó, sử dụng chất kích thích miễn dịch tăng khả năng phòng bệnh ở tôm đang là giải pháp được người nuôi tôm chú ý nhằm hướng đến một nghề nuôi tôm ổn định và an toàn. Trong đó, β-glucan hay beta-glucan đã được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả với mục đích tăng cường đáp ứng miễn dịch ở tôm chống lại các mầm bệnh vi sinh vật (Takahasi et al., 1995; Chang et al., 2003; Li et al., 2008). Sử dụng β-glucan (liều 2 g/kg thức ăn liên tục từ 7-14 ngày) có thể kích thích làm tăng các chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu THC, PO và RBs ở tôm chống lại vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời làm giảm tỷ lệ chết của tôm khi bị nhiễm chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Nguồn: Trần Việt Tiên và Đặng Thị Hoàng Oanh

(Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ – Tập 56, Số 3B: 153-159)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.